Chi tiết bài viết

BỘ CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI: ĐỊNH HƯỚNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ

BỘ CHUẨN PHÁT TRIỂN TRẺ 5 TUỔI: ĐỊNH HƯỚNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ

Trẻ em cần được định hướng để phát triển toàn diện. Ảnh: Đăng Khoa Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đã được Bộ GD-ĐT công bố 2 tuần nay, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sự thiếu rõ ràng về cơ sở khoa học, tính hợp lý, sự cần thiết của Bộ chuẩn cũng như việc chưa kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện đã gây nhiều băn khoăn, nhất là với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi lên 5...
Nhiều băn khoăn 
Nỗi băn khoăn thể hiện rõ trên một số trang web www.webtretho.com, http://edu.net.vn... và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác. Vấn đề được đề cập nhiều là sự thiếu hợp lý ở một số chỉ số đặt ra yêu cầu quá cao so với trẻ 5 tuổi, ví dụ như biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực (ăn vạ, gào khóc, ném đồ chơi...), nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng; sử dụng các loại câu khác nhau trong giao tiếp (câu đơn, câu ghép, câu hỏi, câu khẳng định, câu phủ định, câu mệnh lệnh)...
Với trẻ 5 tuổi, Bộ chuẩn đưa ra tới 125 chỉ số, lại không mang tính chất vùng, miền, điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, liệu rằng chúng ta có đặt quá nhiều áp lực với trẻ? Và trẻ sẽ thế nào khi trong hồ sơ cá nhân có lời phê rằng chúng chưa đạt chuẩn?
Với những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non thì vấn đề băn khoăn không phải là số lượng chỉ số ít hay nhiều, yêu cầu của Bộ chuẩn cao hay thấp, mà là những căn cứ, hướng dẫn cụ thể để các trường sớm có định hướng. Một số hiệu trưởng trường mầm non cho biết, việc thu hút nhiều ý kiến tham gia vào bộ chuẩn là minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân với trẻ em - điều hết sức đáng mừng. Đây là lần đầu tiên có một bộ chuẩn đánh giá toàn diện về trẻ ở độ tuổi lên 5, nhưng không phải là lần đầu tiên việc đánh giá trẻ mầm non được thực hiện, mà việc này đã được triển khai thường xuyên từ rất lâu theo từng chương trình, với những yêu cầu cụ thể cho từng độ tuổi.
Mục đích là định hướng sự phát triển của trẻ 
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội thì Bộ chuẩn đã quan tâm đến sự phát triển toàn diện và đặc biệt đã có sự định hướng rõ ràng cho việc chuẩn bị vào lớp 1 của trẻ 5 tuổi. Cụ thể, để vào lớp 1 hiệu quả, trẻ cần được quan tâm về mọi mặt như thể chất, ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức về xã hội và môi trường xung quanh... chứ không phải là ép trẻ học đọc, học viết như hiện nay. Bên cạnh đó, với cấp học mầm non, việc đánh giá trẻ không cứng nhắc như với HS các cấp học trên, mà được hiểu là "kết quả mong đợi" ở trẻ, bởi vậy, không bắt buộc trẻ phải đạt đủ 125 chỉ số.
Theo quy định, tất cả cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có điều kiện (cơ sở vật chất, đội ngũ...) thực hiện như nhau; kết quả triển khai, vì vậy cũng khác nhau; không thể kỳ vọng mọi trẻ ở mọi vùng, miền đều đạt được các chỉ số như nhau. Ngay ở Hà Nội hiện nay, trong tổng số hơn 700 trường và nhà trẻ độc lập thì đã có tới 3 loại chương trình, trong đó có 72 trường đang thực hiện chương trình thí điểm giáo dục mầm non (chương trình ưu việt nhất hiện nay) và vẫn còn tới hơn 30% số trường nằm ở địa bàn khó khăn của Hà Tây (cũ) áp dụng chương trình chăm sóc giáo dục trẻ ban hành từ khoảng 20 năm nay. Rõ ràng, 125 chỉ số của Bộ chuẩn là cái đích hướng tới, là "kết quả mong đợi" ở trẻ. Bởi thế, mức độ đạt yêu cầu của trẻ cũng được quy định rõ: trẻ được đánh giá là đạt yêu cầu nếu đạt được ít nhất 50% tổng số điểm tối đa của Bộ chuẩn.
Tuy nhiên, những băn khoăn, thắc mắc vừa qua không phải là không có cơ sở, với nguyên do không nhỏ từ phía Bộ GD-ĐT bởi chưa làm cho dư luận hiểu rõ về Bộ chuẩn trước khi đưa ra lấy ý kiến. Vẫn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về việc nhà trường sẽ ghi vào hồ sơ cá nhân kết quả đánh giá trẻ bởi việc đánh giá này không phải là để xếp loại, so sánh trẻ này với trẻ kia, mà là căn cứ để giáo viên phối hợp với phụ huynh điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục, giúp các cấp quản lý xây dựng tài liệu liên quan để định hướng cho sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non với chất lượng tốt nhất - điều đã được quy định rõ trong Bộ chuẩn.